Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Tứ Cường - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

TỔNG QUAN VỀ XÃ TỨ CƯỜNG, HUYỆN THANH MIỆN, TỈNH HẢI DƯƠNG

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​Tứ Cường là một xã nằm ở phía Nam huyện Thanh Miện, giáp trung tâm huyện lỵ. Xã gồm 4 thôn: Gia Cốc, Phú Mễ, An Khoái và An Nghiệp. Mỗi thôn cách nhau chừng 1 km. Phía Bắc và Đông Bắc xã có dòng sông Cửu An là biên giới tự nhiên ngăn cách với thị trấn Thanh Miện và xã Lê Hồng; phía Tây giáp xã Cao Thắng; phía Nam và Đông Nam giáp xã Ngũ Hùng và Chi Lăng Bắc. Ở giữa xã có dòng sông trung thuỷ nông chẩy từ cống Bằng Bộ qua 4 thôn rồi nối liền với sông Cửu An. Tứ Cường còn là tụ điểm của các con đường lớn như: đường 392B chạy từ Kẻ Sặt qua phía Đông của xã xuống Bến Trại, Quốc lộ 38 chạy từ thành phố Hải Dương qua An Nghiệp, Gia Cốc sang Hưng Yên. Con đê phía Nam sông Cửu An cũng là con đường lớn nối liền Tứ Cường với các xã trong huyện và trong tỉnh. Cống Neo một công trình quan trọng số 1 của hệ thống thuỷ nông Bắc- Hưng- Hải phục vụ đắc lực cho việc tưới, tiêu của ba tỉnh, cũng nằm trên đất Tứ Cường. Về tự nhiên, mảnh đất Tứ Cường có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội.

Trải qua những bước thăng trầm và biến cố của lịch sử mà mảnh đất, con người, địa giới hành chính và tên gọi cũng biến đổi theo. Theo tương truyền mảnh đất này hình thành cách đây hàng vạn năm do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Con người đến đây sinh cơ lập nghiệp cũng tương đối sớm. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, bốn làng Gia Cốc, Phú Mỹ, An Khoái, An Nghiệp thuộc tổng Phú Mỹ huyện Thanh Miện, phủ Bình Giang. Mỗi làng là một đơn vị hành chính độc lập, còn gọi là xã.

Thôn Gia Cốc ngày nay, thời xa xưa gọi là Gia Cốc Trang. Đây là miền đất mãu mỡ nên nhiều dòng họ đến đây khai phá lập trang trại. Đến sớm nhất là họ An, họ Nguyễn, sau đó đến họ Vũ, họ Bùi, họ Phạm, họ Tô, họ Trần.... Từ Gia Cốc Trang, sau đổi thành làng (xã) Gia Cốc: Có 1 đình, 1 chùa và 1 nghè. Đình- chùa- nghè ở đây xây dựng vào đời nào không rõ, chỉ biết rằng đình được trùng tu vào đời Nguyễn. Đình thờ Đức Đại vương Lê Trung Hoa, một vị Thái sư thời Lý, có công đánh giặc Tống. Ngang hàng với đình là văn chỉ hàng tổng Phú Mễ. Đình và văn chỉ tổng hiện nay không còn. Nghè Gia Cốc được xây dựng vào thời nhà Lý, thờ Lê Trung Hoa. Chùa Gia Cốc được xây dựng gần nghè vào thời Tự Đức thứ 11 (1858), chùa thờ Phật. Ngày 14/4/1993 Nghè và chùa Gia Cốc đã được Bộ văn hoá cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Gia Cốc còn có nhà thờ Giêsu, kiến trúc kiểu lòng thuyền, tháp chuông cao 25m. Năm 1954 giáo dân đi Nam 100%.

Tổng Phú Mễ xưa gồm 9 làng (xã): Phương Khê, Tào Khê, Phú Khê (nay thuộc xã Chi Lăng Bắc); Cao Lý (nay thuộc xã Cao Thắng); Gia Cốc, An Nghiệp, An Khoái, Phú Mễ (nay thuộc xã Tứ Cường).

Thôn Phú Mễ ngày nay, xưa là Phú Mỹ Trang. Tuy là một thôn nhỏ, nhưng đã một thời là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của một tổng. Đến vùng đất này khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp sớm hơn cả là họ Lưu, họ Đinh, rồi sau đó đến họ Đỗ, họ Trần, họ Nguyễn và hàng chục họ khác Phú Mỹ Trang sau này dân số phát triển thành làng Phú Mễ (làng giàu lúa gạo). Thời xưa, làng Phú Mỹ đã xây dựng lên 2 đình: 1 đình thờ “Đông Hải Đại vương" và 1 đình thờ “Hùng Thắng Đại Vương". Phú Mễ còn có 1 chùa, xây dựng vào thời Lê, thờ Phật.

Thôn An Khoái ngày nay, xưa kia là Trang Khoai. Dòng họ đến đây khai phá đầu tiên là họ An. Sau đó là họ Đào họ Vũ, họ Vương, họ Nguyễn, họ Phan, họ Tạ. Cây khoai lang là cây dễ ăn, dễ trồng, rất thích hợp với đồng đất nơi đây, nên nhân dân đã lấy tên “Khoai" đặt cho trang trại của mình. Đến cuối thế kỷ 19 đổi làng “Khoai" thành làng “Khoái". Chùa làng Khoai còn gọi là Hương Trâu Tự được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, đến đời sư Giác Ninh (1906) mới xây dựng lại. Đình làng Khoai cũng xây dựng vào thời nhà Nguyễn thờ Thần hoàng Đào Đại Hùng. Ngày 13/6/2007 Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Khoai - Làng An Kkhoái xã Tứ Cường là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng. Đình thờ Đức Bách Việt Thủy Tổ Văn lang Quốc Vương Thiên Tôn và 3 danh nhân đất nước: Ngài Đào Đại Hùng ,Tiến sĩ khoa Tân Mùi, Nguyên sung Lễ bộ thượng thư được triều đình phong sắc Thượng đẳng phúc thần; cụ Bùi Khán, Tiến Sĩ Khoa Giáp Tuất; cụ Võ Công Trực – uyên soái tướng công.

Thôn An Nghiệp ngày nay, xưa gọi là làng Giác. Đến cuối thế kỷ 19, làng Giác đổi thành làng An Nghiệp. Làng nằm trên tụ điểm của 3 con đường lớn, lại có sông ngòi bao quanh, nên rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Họ đến đây đầu tiên là họ Đặng; sau đó là họ An, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Trần, họ Đoàn, họ Bùi, họ Vũ, họ Kim và họ Hoàng. Làng An Nghiệp có 1 đình, 1 chùa. Đình, chùa ở đây xây từ thời Nguyễn, được trùng tu nhiều lần; đình làng An Nghiệp thờ thành hoàng là Hoàng Thiện Cao Sỹ. Đình bị phá trong chiến tranh chống Pháp, hiện nay chỉ còn chùa. Chùa An Nghiệp thờ Phật, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (T).

Như vậy trước cách mạng tháng Tám 1945 bốn làng: Gia Cốc, Phú Mễ, An Khoái và An Nghiệp là bốn đơn vị hành chính độc lập khác nhau, nhưng có phong tục tập quán tương đối giống nhau, đều được hình thành từ lâu đời và có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; yêu quê hương đất nước.

Tháng 4/1946 bốn làng Gia Cốc, Phú Mễ, An Khoái và An Nghiệp hợp nhất thành một xã mới lấy tên là xã Tứ Cường. Xã Tứ Cường tồn tại đến ngày nay.

Đến nay, diện tích đất tự nhiên của xã là 925,46 ha. Trong đó: có 614,67ha đất canh tác nông nghiệp; đất thổ c­ư 310,9ha; diện tích chuyển đổi sang đào ao, thả cá, làm vườn là 65,18ha. Về dân số: Mật độ dân số bình quân gần 1.266 người/km2; Tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2023 xã có: Tổng số hộ là: 3.800 hộ, 12.457 khẩu. Số ng­­ười trong độ tuổi lao động 7.65650 người); phân bổ sinh sống ở 4 khu dân cư; có 2 khu Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia là Nghè– Chùa thôn Gia Cốc và Đình Khoai làng An Khoái; 4 làng đều được công nhận và giữ vững là “Làng văn hóa"; các công trình điện, đường, trường, trạm, nghĩa trang liệt sĩ đã được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống của nhân dân và từng bước theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tứ Cường đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nhằm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nâng tiêu chí xây dựng xã Tứ Cường đạt Đô thị loại V vào năm 2025 mà Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV đã đề ra.

Trong phong trào đấu tranh cách mạng, tổ chức cơ sở Đảng Tứ Cường đã sớm được thành lập. Chi bộ Đảng đầu tiên tiền thân của Đảng bộ xã Tứ Cường ngày nay được thành lập ngày 10/7/1947. Cho đến nay Đảng bộ xã Tứ Cường đang từng bước phát triển không ngừng. Hiện tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ là 403 đồng chí, sinh hoạt tại 09 chi bộ; Tổng số đảng viên nam là 253. đồng chí; nữ là 150 đồng chí; Đảng viên trên 70 năm tuổi đảng là 02 đồng chí, đảng viên trên 65 năm tuổi đảng: 02 đồng chí, đảng viên trên 60 năm tuổi đảng: 08 đồng chí, đảng viên trên 55 năm tuổi đảng: 28 đồng chí, trên 50 năm tuổi đảng: 38 đồng chí, đảng viên trên 45 năm tuổi đảng: 14 đồng chí, đảng viên trên 40 năm tuổi đảng: 26 đồng chí, đảng viên trên 30 năm tuổi đảng là:41 đồng chí.

 ảnh ddoognf hcis Lê Duẩn về tham Tứ Cường.jpg

(Ảnh Tư liệu)

Trải qua 24 kỳ Đại Hội, đến nay Đảng bộ Tứ Cường có 10 Chi bộ. Với phương châm đoàn kết, tập trung, gương mẫu phấn đấu xây dựng quê hương Tứ Cường ngày càng giáu đẹp, văn minh.

các Bí thư các thời kỳ và mẹ VNAH.jpg​ ​

các đồng chí Chủ tịch các thời kỳ.jpg​ 

Là vùng đất được hình thành từ lâu đời, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, nhưng Tứ Cường vẫn chú trọng trong giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và không ngừng phát triển đi lên.

anh CBCC 2024.png 

ảnh mới 1.png 

Trong những năm tiếp theo, xã Tứ Cường tiếp tục quan tâm thực hiện xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân như: khu văn hóa thể thao tập trung; hoàn thiện Trường Tiểu học tập trung về một điểm trường; hoàn thiện các hạng mục công trình Trường Mầm non tập trung; chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được chú trọng thực hiện. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường được quan tâm. Giữ vững danh hiệu “Làng Văn Hóa" của 4 thôn. Hai Di tích Lịch sử Cấp và Đình Làng được quan tâm gìn giữ nhằm giáo dục thế hệ tương lai có ý thức sâu sắc hơn về nguồn gốc, quê hương. Phấn đấu về đích mục tiêu xã đạt Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 và hướng tới hoàn thành các tiêu chí đạt Đô thị loại V năm 2025 như Nghị Quyết Đại Hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV đã đề ra.